CN1: 56B đường số 4 nối dài, KP3, P. An Lạc, Q. Bình Tân, HCM -- CN2: 74 Tân Canh, P. 1, Q. Tân Bình, HCM

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ TUỔI LÊN 3 VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG

10/03/2020
  • Zalo

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ TUỔI LÊN 3 VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG

Tuổi lên 3 đánh dấu sự trưởng thành trong ba năm đầu tiên của một đời người và một số nhà tâm lý học coi đó thực sự là chặng đường “vàng” trên con đường phát triển thành người kể từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành. Vì thế để giúp mọi người có nhận thức đúng đắn về sự biến đổi tâm lý ở thời kỳ trẻ tuổi lên 3, hiểu và thông cảm trước những biểu hiện khủng hoảng tâm lý ở trẻ và có những biện pháp tác động phù hợp, tạo ra môi trường phát triển tốt cho trẻ tuổi lên 3.

“ Làm lờ như không thấy”: giả bộ không để ý đến trẻ

  - Phương pháp này tuy đơn giản mà tôi hay áp dụng trong quá trình chăm sóc và giáo dục bé nhưng nó lại mang đến hiệu quả bất ngờ. Mỗi khi bạn thấy bé bắt đầu trở nên bướng bỉnh, nói bé cứ lì ra và chống đối, không nghe lời. Bạn yêu cầu bé chấm dứt thái độ nhưng bé không để ý đến lời bạn rồi sau đó là quẫy đạp và gào thét. Lúc nay bạn chỉ cần không quan tâm, lờ trẻ đi. Những cơn giận của trẻ chẳng qua chỉ là chiến thuật thu hút sự chú ý mà thôi. Khi không nhận được sự quan tâm thì cơn giận cuối cùng cũng sẽ nguôi đi.

 Ở lớp, cu Bin là đứa bé bướng bỉnh và ít nghe lời nhất, bé rất hay cáu kỉnh và có những đòi hỏi vô lý, mỗi lần bé giờ chiêu ăn vạ, la hét tôi hay tìm cách giả vờ bận rộn làm việc gì đó và không thèm để ý đến bé, một lát sau bé thấy không có hiệu quả là bé lại đến chơi vói bạn và không đòi hỏi nữa.

- Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, lờ bé đi chứ không phải bỏ mặc, không thèm quan tâm đến bé vì đôi khi có những bé bạn đã cố tình lờ đi rồi nhưng bé vẫn không bỏ cuộc lúc này chúng ta phải hướng trẻ vào một việc gì đó hoặc giải thích cho bé hiểu rằng bây giờ Ba, Mẹ không thể làm việc đó cho con được. Còn nếu bạn cứ bỏ mặc thì bé sẽ cảm thấy ức chế hoặc sẽ dẫn đến hành động “tự tiện” ở bé khi đó bé sẽ càng trở nên khó bảo.

  - Ngoài ra phương pháp này còn rất có tác dụng đối với những bé hay ăn vạ và nhõng nhẻo, vì các bé chủ yếu là muốn gây sự quan tâm và chú ý cho người khác để người lớn phải vổ về chiều chuộng bé, trong trường hợp này không còn phương pháp nào tốt hơn là lờ bé đi vì giống như một vở kịch không thể trình diễn nếu không có khán giả vậy.

Cương quyết:

- Cương quyết trong quá trình giáo dục một đứa trẻ đối với tôi giống như là chìa khóa của sự thành công, vì dù chúng ta có dùng bất kỳ phương pháp gì đi nữa nhưng nếu thiếu sự cương quyết và bắt đầu nhún nhường với trẻ tuổi lên 3 thì sẽ không bao giờ mang đến kết quả tốt nhất.

- Trong thực tế tôi thấy có nhiều ông bố bà mẹ mặc dù đã từ chối con nhưng lại không đủ cương quyết và khi con tuổi lên 3 giở bài khóc, dỗi, thì cuối cùng xót con nên chấp nhận nhượng bộ. Sự nhượng bộ dễ khiến bé coi nước mắt và ăn vạ như “vũ khí” đắc lợi của mình. Chỉ cần đòi hỏi không được đáp ứng, bé sẽ giở chiêu này ra với bạn ngay để đòi cho kỳ được, vì thế bạn phải làm sao cho trẻ thấy rằng, qui tắc là bất di bất dịch, chỉ như vậy bé mới từ bỏ những thói quen không tốt như ăn vạ, khóc dối…

Ví dụ như bé Trung Quân ở lớp tôi, mỗi lần Ba, Mẹ đến đón bé hay tự tiện lấy đồ chơi ở lớp hoặc đồ của bạn nói cách nào bé cũng không trả lại nếu la bé thì bé lại gà khóc hoăc đập phá đồ chơi vì thế Ba, Mẹ phải xin cô đem đồ chơi về nhà rồi mai sẽ mang đến trả nhưng việc đó cứ hãy diễn ra mặc dù các Cô và Ba Mẹ đều khuyên bé. Nhưng từ khi tôi trao đổi với Ba Mẹ bé và cùng nhau áp dụng phương pháp cương quyết không cho bé mang đồ chơi về nữa, tuy lúc đàu hơi khó khăn nhưng trong khoảng vài lần như vậy bé đã không còn ăn vạ, la khóc nữa và tới bây giờ bé đã bỏ được tật xấu đó.

- Đặc biệt khi áp dụng phương pháp cương quyết nay phụ huynh không nên áp dụng nó một cách ngẫu hứng lúc làm lúc không như vậy sẽ khiên bé càng giỡ chiêu trò nhiều hơn và cứng đầu hơn.

Bé vô lễ với người lớn, bạn phải luôn uốn nắn và luôn luôn là vậy chứ không thể lúc rầy, lúc lại không.

Phân tán sự tập trung, chú ý của trẻ:

- Phương pháp này nếu được áp dụng đúng cách thì nó cũng mang lại hiệu quả rất tích cực vì nó vừa nhẹ nhàng mà trẻ tuổi lên 3 lại được hoạt động tích cực để giải tỏa những ức chể của mình.

Ví như có một lần lớp tôi đang hoạt động góc, ở góc tạo hình tôi hướng dẫn cho các bé nặn hình trái tim khi tôi làm được một số trái tim, nhưng bé Bin lại gào lên là mình muốn những hình tròn thế là Bé ném những hình trái tim xuống sàn nhà rồi khóc toáng lên “Vòng tròn, vòng tròn”. Lúc đó, tôi mới nói với bé rằng: “Con tới xem các bạn góc xây dựng đang làm cái gì kìa!”

Vì tò mò nên lập tức bé đi ngay một lúc sau bé đến chỗ tôi và nói rằng: “các bạn đang xây hồ cho các bạn cá”, sau đó bé đi về bàn và tiếp tục chơi đất nặn.

Giải pháp ở đây là nói một điều gì đó hoàn toàn không liên quan đến những gì bạn đang làm, để phân tán sự tập trung của bé bằng một việc cụ thể. Đây là chiến thuật “phân tâm” nhằm làm trẻ không tập trung vào những nhu cầu trẻ cần đáp ứng nữa, và ngay cả bạn cũng không phải bực tức nữa vì đã chuyển sang một hoạt động khác..

- Vì phương pháp nay là phương pháp dùng một hoạt động để thay thế một hoạt động nhằm phân tán sự tập trung của trẻ nên bạn phải chọn cho bé những hoạt động hấp dẫn, mới lạ và đừng lặp lại những hoạt động mà bé hay làm, hoạt động mà bé không hứng thú.

- Trẻ tuổi lên 3 đang chơi một hoạt động “tĩnh” thì nên cho bé chuyển sang một hoạt động “động” để trẻ được giải tỏa năng lượng của mình, con nếu trẻ đang ở một hoạt động “động” thì hãy cho bé chuyển sang một hoạt động “tĩnh” hơn để bé có thể bình tỉnh lại.

Có lần tôi cho cả lớp chơi tự do trong lớp thì bé Xu cứ chạy lung tung, tôi nhắc nhở bé nhiều lần nhưng bé cứ chạy thế là tôi đẫn bé đến góc học tập và cho bé chơi xâu dây cùng các bạn thế là bé mới chịu ngồi yên.

Ngoài những phương pháp trên, để đạt được kết quả tốt nhất mà vẫn giúp trẻ tuổi lên 3 cảm thấy thoải mải, dễ chịu nhất thì ngoài việc sữ dụng những phương pháp như trên trong quá trình giáo dục trẻ ta cân phải kết hợp thêm những phương pháp như:

- Sử dụng lời nói thuyết phục: Trong bất kỳ tình huống nào, người lớn cũng cần thật bình tĩnh và kiểm soát được tình hình, đừng bị kích động bởi những biểu hiện tiêu cực của bé. Lúc nào bạn cũng nên tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn. Khen ngợi bé khi bé làm đúng và khuyến khích bé diễn đạt những điều mình mong muốn một cách rõ ràng.

- Bày tỏ cảm xúc cùng trẻ: Với bé, giai đoạn này thực sự là giai đoạn khó khăn, bé cần nhận được sự quan tâm, yêu thương của bố mẹ hơn bao giờ hết. Hãy tôn trọng cái tôi của con bằng cách hỏi con và cho con được lựa chọn trong chừng mực có thể.

Bé tuổi lên 3, bé đi mẫu giáo, mẹ nên hướng dẫn bé ngay cách làm quen với bạn bè, cách chào hỏi thầy cô và cách nói chuyện với người lớn.Cuối tuần, bố mẹ nên cho bé đi chơi công viên, vườn bách thú, để bé có dịp tự làm quen với các bạn. Khi bé lớn hơn một chút, mẹ có thể cho bé tham gia các lớp học năng khiếu. Khi làm việc nhà, bạn hãy cùng cho bé tham gia như vậy bé sẽ dạy cho bé tính tự giác và sự tự trong cuộc sống. Điều này sẽ giảm đi rất nhiều những khúc mắc tâm lý của bé ở tuổi lên 3.

  • Cho trẻ được vui chơi thật nhiều, nhất là các trò chơi đóng vai:

Chẳng hạn như, bé thích làm người lớn nên mẹ có thể cho con giả vờ nấu cơm bằng các đồ chơi (bên cạnh mẹ đang nấu thật) hay bố có thể bày cho bé chơi trò sửa chữa đồ đạc. Bố mẹ cho bé nhập vai vào nhiều tình huống khác nhau và qua đó bé có cơ hội thể hiện bản thân. Bé có thể cùng chơi đóng vai này với nhóm bạn của mình.

Bé Khánh Ngọc rất hay giành đồ chơi của bạn và nhất định không chịu trả lại nếu ép bé thì bé lại giở trò ăn vạ hoặc sẻ trả đũa bạn. Tôi đã nhiều lần thử phương pháp thuyết phục nhưng chẳng ăn thua, thế là tôi mới thử cho bé chơi đóng vai “Chị gái chăm em” và giải quyết tình huống hai em giành nhau đồ chơi và kết quả thật bất ngờ sau hôm đó số lần bé giành đồ chơi của bạn giảm đi, nếu có xảy ra chỉ cần cô gợi lại tình huống bé đóng vai làm chị giúp em thì bé thôi ngay và thái độ của bé rất vui vẻ và tự hào còn đi khoe với bạn nữa.

Ba tuổi cũng là giai đoạn nhu cầu được chơi với bạn bè cùng lứa và mở rộng phạm vi giao tiếp ở trẻ rất lớn. Vì thế bố mẹ nên cho con đến trường mầm non vào tuổi này. Một điều quan trọng khác là trong bất kỳ tình huống nào bố mẹ cũng cần thật bình tĩnh, đừng bị kích động bởi những biểu hiện của bé. Lúc nào bạn cũng nên tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn. Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu bé làm điều gì, hãy nhẹ nhàng nói với con về điều đó một cách cụ thể, rõ ràng và đừng tỏ thái độ bắt ép hay ra lệnh cho bé.